Cách dùng hiện nay Tên gọi Triều Tiên

Ngày nay, người CHDCND Triều Tiên dùng tên gọi Chosŏn (Triều Tiên) để chỉ toàn bộ hai miền và gọi từng nước (miền) là Bukchosŏn (북조선, 北朝鮮; "Bắc Triều Tiên") và Namjosŏn (남조선, 南朝鮮; "Nam Triều Tiên"). Người Nam Hàn lại dùng các từ tương ứng là Hanguk (Hàn Quốc), Bukhan (북한, 北韓; "Bắc Hàn") và Namhan (남한, 南韓; "Nam Hàn").

Tiếng Triều Tiên được gọi là Chosŏnŏ hay Chosŏnmal (Triều Tiên ngữ) ở miền Bắc và Hangugeo hay Hangungmal (Hàn Quốc ngữ) ở miền Nam. Chosŏn'gŭl (chữ Triều Tiên) là tên gọi được dùng ở miền Bắc trong khi ở miền Nam nó được gọi là Hangul (chữ Hàn). Tương tự như vậy, bán đảo Triều Tiên được gọi là Chosŏn Pando (Triều Tiên bán đảo) ở miền Bắc và Hanbando (Hàn bán đảo) ở miền Nam. Các bản đồ chính thức ở cả hai miền đều không vẽ Giới tuyến phi quân sự phân chia hai nước, tạo cảm giác về một đất nước thống nhất.

Cách gọi ở Đông Á và Việt Nam

Gần đây báo chí ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có xu hướng sử dụng tên gọi mà mỗi miền tự dùng cho mình, nghĩa là gọi Bắc Triều Tiên là Chaoxian (朝鲜 "Triều Tiên") và Nam Hàn là Hanguo (韩国 "Hàn Quốc"). Trước đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn còn dùng cách của Bắc Triều Tiên gọi Nam Triều Tiên là Nanchaoxian (南朝鲜 "Nam Triều Tiên").

Trước 1975, miền Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) gọi hai nước Triều Tiên là Bắc Triều Tiên (hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) và Nam Triều Tiên (hay Cộng hòa Triều Tiên), trong khi miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) gọi hai nước Triều Tiên là Bắc Hàn và Nam Hàn (hay Đại Hàn). Sau khi Việt Nam thống nhất, cách gọi của miền Bắc Việt Nam được áp dụng trong toàn quốc cho tới khoảng giữa những năm 1990. Sau khi Hàn Quốc lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1993), báo chí Việt Nam bắt đầu gọi họ là Cộng hòa Triều Tiên (dịch từ "Republic of Korea"). Hàn Quốc chính thức đề nghị Việt Nam dùng quốc hiệu chính xác của họ là Đại Hàn Dân quốc, hay gọi tắt là Hàn Quốc. Từ đó tên gọi Hàn Quốc trở thành phổ biến trong tiếng Việt.

Trung Hoa Dân QuốcĐài Loan thì gọi Bắc Triều Tiên là Beihan (北韓 "Bắc Hàn") và Nam Triều Tiên là Nanhan (南韓 "Nam Hàn"). Tương tự như vậy, dân chúng ở Hồng KôngMacau gọi Bắc Triều Tiên là Bak Hon (北韓 "Bắc Hàn") và Nam Triều Tiên là Nam Hon (南韓 "Nam Hàn").

Nhật Bản, các tên gọi được dùng theo cách mà mỗi miền Triều Tiên vẫn dùng, theo đó thì Bắc Triều Tiên được gọi là Kita-Chosen (北朝鮮; "Bắc Triều Tiên") và Nam Triều Tiên là Kankoku (韓国 "Hàn Quốc"). Tiếng Triều Tiên ở Nhật Bản thường được gọi là Kankokugo (韓国語). Tuy nhiên khi Đài truyền hình NHK phát chương trình dạy tiếng Triều Tiên thì ngôn ngữ này được gọi là Hangulgo (ハングル語), có nghĩa là ngôn ngữ của hệ chữ viết Hangul. Cách gọi này không được dùng trong tiếng Nhật Bản thông thường, mà chỉ cách gọi thỏa hiệp cốt làm vừa lòng cả hai miền Triều Tiên theo kiểu uyển ngữ có tên là kotobagari.

Tên gọi trong các ngôn ngữ châu Âu

Cả Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên đều dùng tên "Korea" (hoặc tương đương) khi gọi nước mình trong tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ châu Âu khác. Công dân NgaTrung Á gốc Triều Tiên tự gọi mình là "người Goryeo (Cao Ly)" để tránh xung đột Bắc-Nam.

Vì cách viết "Corea" đã từng xuất hiện khá phổ biến trong các bản đồ lịch sử nên một số người Triều Tiên cho rằng Nhật Bản vào thời kỳ chiếm đóng Triều Tiên đã cố tình chuẩn hóa cách viết "Korea" để từ "Japan" xuất hiện trước từ "Korea" theo vần chữ cái. Xem Xung đột Triều Tiên-Nhật Bản.